BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ NĂM HỌC: 2023 – 2024

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin truyền thông đều đưa tin về việc bệnh đau mắt đỏ hiện đang có dấu hiệu bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Để phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho bản thân, gia đình và cộng đồng các em học sinh cần biết đau mắt đỏ là gì? Những triệu chứng và diễn biến của bệnh ra sao để bản thân có cách phòng ngừa bệnh.

  1. Đau mắt đỏ là gì? Đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc cấp) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt) do nhiễm khuẩn, virut, viêm dị ứng gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 7-9, là những tháng mưa nhiều.
  2. Triệu chứng: Người bị đau mắt đỏ thường có những biểu hiện như sau:

– Mắt đau rầm rộ, cộm, cảm giác như cát trong mắt.

– Chảy nước mắt và có nhiều rỉ, có khi sáng ngủ dậy rỉ làm mi mắt dính chặt.

– Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày lây sang đến mắt thứ hai…

– Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ , nổi hạch trước tai ( hay gặp ở trẻ em).

– Trong những truờng hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc (tròng đen), khi đó thị lực có thể giảm.

  1. Diễn biến:

– Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi,

– Một số ít có thể có giả mạc ở kết mạc mi (mắt thường sưng khó mở, có dịch màu hồng…).

– Một số có thể có biến chứng Viêm giác mạc chấm khi đó sẽ có ảnh hưởng đến thị lực.

– Viêm kết mạc trên người bệnh có các bệnh mạn tính khác về mắt như: mắt hột, sẹo giác mạc cũ, tắc lệ đạo…sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng thêm.

  1. Nguyên nhân: Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua tay, dụi tay vào mắt, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ dùng, bát ăn, ly tách, ra gối, mùng màn, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, …)
  2. Phòng bệnh: Thường xuyên rửa mặt 3 lần/ ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng, tốt nhất giặt khăn bằng xà phòng , phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường. Cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; khi bị bệnh cần chú ý vệ sinh để tránh lây lan sáng mắt kia. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch. Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như : đồ ăn – uống, chậu – khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ. Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi… Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ. Khi đang có dịch cần hạn chế tập trung nơi đông người. Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Trên đây là cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ. Hy vọng các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh có đôi mắt luôn khỏe để dạy tốt và học tốt.

Người viết

 

 

 

Trần Thị Cẩm Trinh